Từ bỏ vị trí lãnh đạo cao cấp của một công ty lớn (Công ty chứng khoán VNDirect) mà nhiều người mơ ước, Giang bắt đầu lại, gần như từ con số 0. Giang mang đến cho giới khởi nghiệp một thông điệp đầy cảm hứng: "Hãy nắm bắt cơ hội và dám dấn thân".
Năm 24 tuổi, Nguyễn Hoàng Giang trở thành CEO VNDirect – công ty chứng khoán có vốn nghìn tỷ và là người trẻ nhất trong lịch sử giữ vị trí này ở Việt Nam 11 năm về trước. Năm 2016, anh lọt vào danh sách 30 under 30 của Forbes Việt Nam. Hiện nay, Giang là Chủ tịch của Công ty chứng khoán DNSE, một công ty thành viên của Encapital Fintech, nơi anh là đồng sáng lập, chủ tịch, kiêm tổng giám đốc.
Rời Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học năm 2008, tôi không mảy may biết đến cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra cùng thời điểm. Về Việt Nam trong kỳ nghỉ hè, tôi xin vào thực tập tại VNDIRECT, công ty của cô tôi (bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect -PV), dự định sau đó sẽ sang Mỹ học tiếp để lấy bằng thạc sĩ về Financial Engineering. Tuy nhiên, tôi đã quyết định ở lại Việt Nam và làm toàn thời gian tại công ty chứng khoán thay vì quay lại Mỹ hoàn thành nốt việc học.
Là một F0 thực thụ ở thị trường chứng khoán vào thời điểm đó, tôi chưa từng cảm nhận được nỗi đau thương mà các anh em phải nếm trải sau khi Vn-Index vượt qua đỉnh của thị trường vào tháng 3/2007.
Rời Mỹ về nước, tôi rón rén vay mẹ chút tiền làm vốn lập nghiệp. Mẹ giao tôi một cuốn sổ tiết kiệm của gia đình, tin tưởng nhưng vẫn dặn dò cẩn thận, bởi đây là nguồn tài sản tích lũy bấy lâu của mẹ. Có tiền, tôi quyết định đầu tư vào chứng khoán, dù thực sự lúc đó hiểu biết của tôi về thị trường là không bao nhiêu.
Tôi nghe theo các anh trong công ty, chia đôi khoản tiền. Một nửa tôi mua cổ phiếu OTC của một công ty với giá 10.000 đồng/cp (trong khi chỉ mới một năm trước đó nó có giá 60.000 đồng). Số còn lại tôi dành mua cổ phiếu niêm yết VSP của Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin. Không lâu sau, VSP đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, vì ham quá mà tôi không bán. Đến lúc VSP chia tách và rớt thảm hại, tôi không còn lựa chọn nào khác, đành cắt lỗ.
Sau lần thất bại đó vào 2009, tôi lùi lại lịch đi học thạc sĩ theo dự kiến và tiếp tục công cuộc đầu tư chứng khoán của mình theo triết lý sai ở đâu phải đứng lên ở đó. Lúc này tôi nhận thêm nhiệm vụ làm quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán. Tôi lập ra triết lý đầu tư của mình là tìm doanh nghiệp tốt, chọn thời điểm đòn bẩy thích hợp và kiên nhẫn chờ đợi. Những khoản đầu tư tiếp theo vào Hoà Phát, Vinasun hay cả công ty nơi tôi làm việc là VND đều mang lại khoản lời tốt khi mua ở định giá thấp và nắm giữ kiên trì.
Bài học đầu tiên về cắt lỗ và sự phũ phàng của thị trường chứng khoán từ VSP mang lại, tôi luôn lưu giữ và trân trọng. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn giữ một (01) cổ phiếu VSP trong tài khoản, dù nó đã được đổi tên, huỷ niêm yết khỏi HNX và sau này phá sản. Chính khoản đầu tư đầu đời đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu và giữ tôi ở lại làm nghề chứng khoán đến bây giờ.
Trong quá trình khởi nghiệp của mình, có lẽ điều may mắn nhất của tôi là được người cô, người sếp và cũng là người thầy của tôi hướng dẫn, chỉ bảo và trao quyền. Giao phó vị trí CEO một công ty chứng khoán vốn nghìn tỷ cho người mới 24 tuổi như tôi năm đó chắc trên thị trường này chỉ có một mình cô Hương dám làm. Ngoài ra, được ngồi vào vị trí là một chuyện, nhưng được thực sự giao quyền điều hành lại là chuyện khác. Thời gian đó, tôi được giao quyền ra quyết định và vì thế phát triển rất nhanh. Tôi mắc nhiều sai lầm, nhưng chưa bao giờ bị trách móc. Thực tế, tôi được ủng hộ và hỗ trợ rất nhiều.
Nhận thức từ sớm và ba lần trượt CFA
Từ bé tôi đã luôn có ý thức tiết kiệm và chi tiêu một cách hợp lý. Về Việt Nam, tôi lại được tiếp cận với đầu tư chứng khoán từ sớm. Chính những điều này giúp tôi rất nhiều về mặt nhận thức. Khi đó tôi mới 22 tuổi, nhưng tôi đã bắt đầu tích luỹ và tự đầu tư. Khi bắt đầu, tôi thấy tôi còn thiếu rất nhiều kiến thức. Tôi quyết định tự học CFA để đi thi. Tuy nhiên, tôi thi lần nào trượt lần đó, dù chỉ là CFA level 1. Sau ba lần như thế, tôi nắm bắt được phần nào các kiến thức tài chính và áp dụng chúng vào quá trình đầu tư cũng như làm việc của tôi sau này.
Làm việc trong môi trường tài chính, tôi được tiếp xúc và làm việc với các bậc đàn anh giỏi giang, mà giờ đây đều là những doanh nhân thành đạt. Tôi thu nạp được nhiều kiến thức từ việc đọc sách, từ thực tế va vấp mất tiền và từ quá trình điều hành một doanh nghiệp từ khi còn nhỏ bé cho đến khi trở nên đồ sộ. Tôi cho rằng tính cách và tư duy của tôi ngày hôm nay được hình thành là nhờ những điều như vậy.
Đó là những hành trang giúp tôi ra những quyết định tốt hơn, biết thích nghi với thay đổi hơn. Trên thực tế, để đi xa và để thành công, không thể không có "đồng bọn". "Đồng bọn" của tôi là những người xung quanh tôi, sẵn lòng tương trợ cho tôi dù cũng có những lúc cũng không ưa tôi lắm. Tôi luôn nhớ lời cô tôi dặn, đó là làm việc phải biết làm việc với mọi người, kể cả những người không hợp tính hay khác mình. Họ là những người thầy sẽ giúp mình toàn vẹn và hoàn thiện hơn. Đó cũng là triết lý mà tôi cố gắng để thực hành.
Luôn để mắt tìm cơ hội mới
Làm việc trên thị trường tài chính, cơ hội như một mũi tên, luôn bay tới và nếu nắm bắt được nó thì thành công sẽ đến. Sếp của tôi đã nói với tôi như vậy. Thực tế, tôi luôn cố gắng giữ một tâm thế mở để có thể nắm được những cơ hội như vậy. Luôn luôn trau dồi kiến thức của bản thân, để mình nhìn thấy cơ hội và tăng hiệu suất làm việc tốt hơn. Năm 2015 đến 2017, tôi cũng chủ động đi học thêm một khoá MBA để hoàn thiện mình hơn.
Tôi có một mong mỏi có thể giúp mọi người đầu tư dễ dàng hơn. Vào giữa năm 2017, tôi nghe được thông tin một bạn trẻ từ Úc về xây dựng một nền tảng hỗ trợ đầu tư từ 50.000đ. Tôi hẹn ăn trưa với bạn đó, và sau đó quyết định xuống tiền đầu tư ngay cho nền tảng của bạn ý. Ba năm sau, nền tảng Finhay lớn mạnh đạt mốc 1 triệu người sử dụng vào 2020. Vào thời điểm đó công ty được định giá 15 triệu USD. Khoản đầu tư thiên thần của tôi ngày nào đã mang lại khoản lợi nhuận triệu đô đầu tiên.
Startup đầu tiên chỉ có 2 người
Đến giữa năm 2018, sau tròn 10 năm làm việc tại công ty đầu tiên (thời điểm đó, VNDIRECT đã lớn mạnh gấp 10 lần so với thời điểm tôi mới làm tổng giám đốc), tôi xin phép cô tôi cho thôi việc để dành thời gian thực hiện một dự án riêng. Tuy còn nhiều tình cảm và duyên nợ với công ty cũ, nhưng tôi mong muốn làm một dự án và thoả mãn đam mê của tôi về tài chính và công nghệ.
Tháng 8 năm 2018, tôi thành lập Encapital Fintech cùng với một anh bạn lúc đó vẫn còn đang làm việc ở Mỹ. Tôi xây dựng tầm nhìn, chiến lược và công nghệ cũng như huy động vốn từ nhà đầu tư là bạn bè và một đối tác của tôi lúc đó để thành lập công ty với vốn ban đầu là 10 tỷ. Tôi có niềm tin rằng, dân số Việt Nam sẽ chuyển dịch sang đầu tư tài chính trong tương lai không xa. Chính vì vậy, vai trò của Encapital Fintech là dùng công nghệ để kết nối vốn đầu tư.
Chúng tôi bắt đầu viết những dòng code đầu tiên và xây dựng lên platform Entrade X và Entrade ngày hôm nay để hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch chứng khoán dễ dàng và thuận tiện. Sáu tháng đầu tiên thực sự là trải nghiệm khác biệt. Văn phòng công ty chỉ vẻn vẹn 10m2 đi thuê ở địa chỉ 46 Ngô Quyền. Toàn bộ nhân sự tại văn phòng lúc đó dừng lại ở con số 2, tôi và một bạn nhân viên nữa. Anh bạn đối tác của tôi thì vẫn ở bên Mỹ chuẩn bị về. Quá trình làm việc như mọi startup khác, điều duy nhất gắn kết anh em là niềm tin vào một tầm nhìn trên giấy.
Vào tháng 5 năm 2019, sản phẩm platform Entrade hỗ trợ giao dịch phái sinh ra đời. Lúc này, dân số trong team đã trở nên kha khá. Sản phẩm của chúng tôi được đón nhận nhờ kinh nghiệm trong nghề lâu năm.
Sản phẩm đầu tay ra đời giúp chúng tôi có những vui mừng ban đầu, nhưng vẫn chưa thực sự phát triển mạnh, thì Covid-19 xuất hiện. Lúc này tôi nhận thấy sự phát triển của chứng khoán trực tuyến là cơ hội. Chúng tôi đặt mục tiêu tìm mua một công ty chứng khoán để có thể thực hiện một mô hình chứng khoán trực tuyến miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư. Lợi thế của Encapital khi triển khai mô hình đó là hoàn toàn làm 100% bằng công nghệ.
Khi đó, tình hình Covid-19 căng thẳng hơn bao giờ hết. Đợt đóng cửa đầu tiên tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu. Nhiều tài sản mà tôi nắm giữ nằm trong thị trường chứng khoán, nên tôi cũng rất lo lắng. Cùng lúc đó, chúng tôi tìm được một công ty chứng khoán để mua lại, chính là Công ty chứng khoán Đại Nam tiền thân của Công ty chứng khoán DNSE bây giờ, với vốn chủ sở hữu là 162 tỷ. Giữa đại dịch, việc huy động tiền cũng khó hơn rất nhiều.
Quyết tâm thực hiện, chúng tôi triển khai một kế hoạch không tưởng là trong vòng một tháng, huy động 200 tỷ để có thể kết thúc thương vụ. Nhờ chút may mắn, chúng tôi huy động đủ số tiền. Hơn nữa, anh chủ của DNSE khi đó rất hào sảng, nên chúng tôi đóng được deal này chỉ trong một tháng.
Giữa Covid-19, khi mà mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, chúng tôi đã thực hiện được mục tiêu kép là huy động vốn thành công và hoàn thành việc mua lại DNSE chỉ trong một thời gian ngắn, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 năm 2020. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình vẫn còn nợ một lời cảm ơn đối với nhà đầu tư, đối tác và đồng nghiệp của mình, vì đã luôn sát cánh để thương vụ được thực hiện thành công.
Từ những ngày đầu tham gia thị trường chứng khoán, tôi đã muốn làm sao đầu tư trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Có đầu tư thì mới tối ưu được dòng tiền, nhiều doanh nghiệp phát triển thì xã hội và đất nước mới phát triển được. Tôi hay nói đó là mong muốn sao cho đầu tư chứng khoán phải dễ như ăn kẹo.
Và thế là sau thương vụ DNSE, chúng tôi xây dựng một cách tốc lực để hiện thực hoá tầm nhìn "Đơn giản hoá đầu tư cho người Việt". Đây là tầm nhìn xuyên suốt trong việc sử dụng công nghệ ứng dụng vào tài chính, và làm sao cho công việc hiện hữu trở nên đơn giản hơn. Một khi đơn giản, thì nhiều người sẽ tiếp cận được hơn.
Nhờ năng lực công nghệ đã tích luỹ sẵn, chúng tôi xây dựng nền tảng Entrade X – Giao dịch chứng khoán trên di động cho DNSE trong vòng 3 tháng. Tháng 10 năm 2020, là triển khai lần đầu tiên lên AppStore. Lúc này, thị trường chứng khoán đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng nhà đầu tư, tính thanh khoản cũng như điểm số. Một việc khó tiếp theo là làm sao phải tăng được vốn cho DNSE để đảm bảo cho hoạt động cũng như an toàn cho khách hàng.
Lần tăng vốn này tôi quyết định tăng lên 1.000 tỷ để đảm bảo hoạt động dài hạn của DNSE. Với sự chuẩn bị kỹ càng hơn rất nhiều so với lần trước, chúng tôi đã gọi vốn thành công cho cả DNSE và Encapital vào tháng 7 năm 2021. Như vậy là sau 3 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp Encapital của chúng tôi đã tăng trưởng khoảng gần 100 lần về vốn chủ sở hữu.
Tôi nghĩ rằng xuyên suốt của mọi sự thành công là sự kiên nhẫn, có triết lý dài hạn và có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác tốt. Tôi may mắn có một người thầy, người cô, người sếp cũ tốt luôn giúp đỡ và chỉ bảo tôi. May mắn hơn nữa tại thời điểm này là có gần 100 đồng nghiệp đã tin tưởng và cùng tôi xây dựng tầm nhìn "Đơn giản hoá đầu tư cho người Việt" với DNSE.
Thực sự trong khung thời gian hạn hẹp 24 tiếng một ngày thì việc đặt ưu tiên là quan trọng. Có kế hoạch và ưu tiên đã giúp tôi rất nhiều. Một điều quan trọng không thể thiếu là có được gia đình ủng hộ. Đối với tôi, startup chỉ có thể đi đến thành công khi có được những hậu thuẫn từ phía gia đình, đặc biệt là gia đình riêng của mình.
Nhận định cho tương lai
Covid-19 có lẽ là một điều kì diệu. Khó khăn với nền kinh tế là hiện hữu, nhưng từ đó các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phải thích ứng với khó khăn này để nâng cao hiệu suất của mình. Số hoá và tiếp cận với Internet, điện thoại thông minh đã có bước nhảy vọt từ khi Covid-19 xuất hiện. Tôi nghĩ rằng, giao dịch trực tuyến trong đầu tư hay trong tiêu dùng là xu thế tất yếu đối với người Việt.
Các doanh nghiệp phải làm sao thích ứng, chứ bản chất của virus là sẽ không bao giờ biến mất. Nó vẫn sẽ tồn tại. Từ đó, việc thích ứng là điều hiển nhiên. Bởi vậy, với dịch vụ tài chính, chứng khoán, chúng tôi hướng đến đơn giản hoá trải nghiệm online cho người dùng. Chính vì số hoá và triển khai mọi thứ trực tuyến, chúng tôi đã tối giản các chi phí hết mức có thể. Và điều này cho phép DNSE cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán miễn phí trọn đời.
Theo Trí thức trẻ